Cuộc chiến chống gian lận xuất xứ và những vấn đề đặt ra – Bài 2: Những chiêu trògian lận xuất xứ

Như đề cập ở bài viết trước, khi Việt Nam tham gia ngày càng nhiều Hiệp định thương mại tự do bên cạnh lợi ích mang lại, những chiêu thức gian lận xuất xứ sẽ xuất hiện ngày càng nhiều. Với vai trò nòng cốt trong đấu tranh chống gian lận xuất xứ, cơ quan Hải quan đã chủ động, tích cực phát hiện những chiêu trò của một số doanh nghiệp và xử lý nghiêm minh các vụ việc vi phạm.

cuoc chien chong gian lan xuat xu va nhung van de dat ra bai 2 nhung chieu tro gian lan xuat xu
Nhà xưởng gần như trống trơn nhưng doanh nghiệp vẫn cho ra lò hàng loạt sản phẩm xe đạp “Made in Vietnam”. (Vụ việc do Cục KTSTQ và Cục Hải quan Bình Dương phối hợp phát hiện, xử lý tháng 10/2019) Ảnh: Cục KTSTQ

“Phù phép” cho linh kiện thành hàng Việt Nam

Tại cuộc họp báo chuyên đề về hoạt động kiểm tra, điều tra phòng chống gian lận xuất xứ hàng hóa Việt Nam xuất khẩu của ngành Hải quan, do Tổng cục Hải quan tổ chức ngày 6/7/2020, lãnh đạo Cục Kiểm tra sau thông quan cho biết: thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Tổng cục, toàn Ngành đã mở đợt cao điểm thực hiện kế hoạch chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp (từ tháng 10/2019), trong đó, Cục Kiểm tra sau thông quan là lực lượng chủ công.

Sau thời gian tích cực đấu tranh quyết liệt với các doanh nghiệp có dấu hiệu nghi vấn, toàn ngành Hải quan đã kiểm tra, điều tra, xác minh 76 vụ việc và phát hiện 24 vụ việc vi phạm về xuất xứ hàng hóa. Cơ quan Hải quan đã tịch thu 3.590 xe đạp nguyên chiếc, hơn 4.000 bộ linh kiện xa đạp và hơn 12.000 bộ linh kiện lắp ráp tủ bếp là tang vật vi phạm. Một số chuyên đề kiểm tra tiêu biểu liên quan đến các mặt hàng: xe đạp, xe đạp điện; pin năng lượng mặt trời; gỗ, đồ gỗ nội thất từ gỗ.

Đối với nhóm mặt hàng xe đạp, xe đạp điện, thực hiện kiểm tra sau thông quan 4 doanh nghiệp lắp ráp xe đạp, xe đạp điện xuất khẩu đi Mỹ. Kết quả phát hiện vi phạm xuất xứ Việt Nam 4/4 doanh nghiệp.

Hành vi vi phạm của các doanh nghiệp là nhập khẩu đầy đủ các bộ phận, linh kiện của xe đạp, xe đạp điện ở dạng chưa lắp ráp hoặc tháo rời về Việt Nam để lắp ráp thành sản phẩm xe đạp, xe đạp điện hoàn chỉnh. Các bộ phận, linh kiện nhập khẩu không trải qua bất kỳ công đoạn gia công, sản xuất nào khác hoặc chỉ trải qua các công đoạn gia công đơn giản không làm thay đổi bản chất hàng hóa (gia công sơn khung, càng, ghi đông, tay lái, in label (nhãn) cho một số sản phẩm) để trở thành sản phẩm hoàn chỉnh và toàn bộ linh kiện trực tiếp chuyển hóa thành sản phẩm xe đạp, xe đạp điện hoàn chỉnh. Theo Cục Kiểm tra sau thông quan, quy trình sản xuất nêu trên không đủ điều kiện đạt xuất xứ “Việt Nam” theo tiêu chí chuyển đổi mã số, tiêu chí xuất xứ (CTC, CTSH) và tiêu chí phần trăm của trị giá (LVC) quy định tại Nghị định 31/2018/NĐ-CP và Thông tư số 05/2018/TT-BCT ngày 3/4/2018 của Bộ Công Thương.

Đối với nhóm mặt hàng pin năng lượng mặt trời, kiểm tra sau thông quan 5 doanh nghiệp, kết quả 100% doanh nghiệp được kiểm tra vi phạm xuất xứ Việt Nam.

Cụ thể, doanh nghiệp xuất khẩu tấm module năng lượng mặt trời được sản xuất từ nguồn nguyên liệu chính là các tấm tế bào quang điện được doanh nghiệp mua từ các nhà cung cấp sản xuất tại Việt Nam và nhập khẩu trực tiếp từ nước ngoài. Các tấm module năng lượng mặt trời xuất khẩu của doanh nghiệp được sản xuất từ các tấm tế bào quang điện nhập khẩu hoàn toàn từ nước ngoài không đáp ứng tiêu chí xuất xứ (CTSH) để được công nhận là hàng hóa có xuất xứ Việt Nam theo quy định.

Đối với nhóm mặt hàng gỗ, đồ gỗ nội thất từ gỗ, kiểm tra sau thông quan 12 doanh nghiệp thì cả 12 doanh nghiệp vi phạm xuất xứ Việt Nam. Theo đó, doanh nghiệp nhập khẩu (hoặc mua lại từ hàng nhập khẩu) dưới dạng linh kiện rời, đồng bộ hoặc nhập khẩu ở dạng bán thành phẩm về gia công đơn giản (khoan lỗ, chà nhám và sơn) lắp ghép thành sản phẩm hoàn chỉnh (tủ, giá sách, giường, bàn sofa, bàn trà, bàn cocktail) không đáp ứng tiêu chí xuất xứ Việt Nam theo quy định tại Nghị định 31/2018/NĐ-CP và Thông tư số 05/2018/TT-BCT ngày 3/4/2018 của Bộ Công Thương.

Như vậy, có thể thấy, vi phạm điển hình trong các vụ việc do Cục Kiểm tra sau thông quan thực hiện là việc doanh nghiệp nhập khẩu toàn bộ linh kiện để lắp ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh hòng “đột lốt” hàng Việt Nam.

cuoc chien chong gian lan xuat xu va nhung van de dat ra bai 2 nhung chieu tro gian lan xuat xu
Giày TOPPER trong lô hàng tạm nhập từ Trung Quốc để xuất khẩu đi nước thứ ba nhưng trên sản phẩm ghi “Made in Vietnam”, do Hải quan Hải Phòng phát hiện, bắt giữ tháng 5/2019. Ảnh: T.Bình

Nhiều phương thức, thủ đoạn gian lận

Những vụ việc điển hình do lực lượng Kiểm tra sau thông quan phát hiện nêu trên mới là một phần của bức tranh gian lận xuất xứ hàng hóa.

Nhận định chung về phương thức, thủ đoạn gian lận xuất xứ thời gian qua, đại diện các cơ quan chức năng của Tổng cục Hải quan cho biết thêm: qua công tác kiểm tra, giám sát, quản lý khi làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và công tác điều tra chống buôn lậu, kiểm tra sau thông quan, thanh tra, cơ quan Hải quan đã phát hiện nhiều phương thức, thủ đoạn khác liên quan đến gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa

Cụ thể, đối với ghi nhãn hàng hóa, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa được sản xuất tại nước ngoài khi nhập khẩu về Việt Nam đã ghi sẵn dòng chữ “Made in Vietnam”, “Sản xuất tại Việt Nam”, “Xuất xứ Việt Nam”… Hoặc trên sản phẩm và/hoặc bao bì sản phẩm, phiếu bảo hành thể hiện bằng tiếng Việt các thông tin về nhãn hiệu, địa chỉ trụ sở doanh nghiệp, trang web, trung tâm bảo hành tại Việt Nam để tiêu thụ nội địa hoặc xuất khẩu.

Trường hợp khác, hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài, dán nhãn hàng hóa hoặc ghi xuất xứ hàng hóa được sản xuất tại nước ngoài hoặc không thể hiện nước xuất xứ trên nhãn hàng hóa nhưng khi đưa ra lưu thông, tiêu thụ nội địa thì doanh nghiệp thay nhãn mới ghi “Made in Vietnam” hoặc “Sản xuất tại Việt Nam” hoặc “Xuất xứ Việt Nam”…

Đặc biệt, có trường hợp lợi dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật chưa bắt buộc dán nhãn phụ ngay tại khâu thông quan để nhập khẩu các mặt hàng có thương hiệu nổi tiếng sau đó không dán nhãn phụ theo quy định mà thay đổi nhãn mác, bao bì, tên thương hiệu để tiêu thụ nội địa.

Còn có trường hợp nhập khẩu hàng hóa giả mạo nhãn hiệu đã được đăng ký bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; lợi dụng loại hình quá cảnh để vận chuyển hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, giả mạo xuất xứ Việt Nam.

Đối với xuất xứ hàng hóa, chiêu thức vi phạm là doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI nhập khẩu nguyên vật liệu, bán thành phẩm, linh kiện, cụm linh kiện, phụ tùng để sản xuất, gia công, lắp ráp nhưng hàng hóa không trải qua công đoạn gia công, sản xuất hoặc chỉ trải qua công đoạn gia công, sản xuất, lắp ráp đơn giản không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định nhưng khi xuất khẩu khai xuất xứ Việt Nam trên nhãn hàng hóa hoặc hợp thức hóa bộ hồ sơ để xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ của Việt Nam.

Có trường hợp thành lập nhiều công ty, mỗi công ty nhập khẩu một số cụm linh kiện, phụ tùng hoặc bộ phận tháo rời để lắp ráp hoặc bán cho công ty khác thực hiện gia công, lắp ráp công đoạn đơn giản không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định nhưng ghi sản xuất tại Việt Nam hoặc xuất xứ Việt Nam để tiêu thụ tại thị trường trong nước nhằm đánh lừa người tiêu dùng hoặc xuất khẩu.

Đáng lo ngại là tình trạng hàng hóa có xuất xứ từ nước ngoài chuyển tải qua Việt Nam để hợp thức hóa hồ sơ hoặc xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ sau đó xuất khẩu sang nước thứ ba. Mặt khác, có trường hợp sử dụng C/O giả hoặc C/O không hợp lệ, khai sai xuất xứ hàng hóa để được áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt theo các FTA khi làm thủ tục hải quan.

Với hàng loạt chiêu thức nêu trên cho thấy việc gian lận xuất xứ hàng hóa, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ diễn ra muôn hình vạn trạng. Với những Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với nhiều ưu đãi lớn về thuế mà Việt Nam vừa tham gia, nguy cơ hàng hóa nước ngoài “đột lốt” hàng Việt Nam để hưởng lợi bất chính với những chiêu trò còn tinh vi hơn là hoàn toàn có thể xảy ra.

(Đón đọc bài 3: Điểm mặt những vụ hàng ngoại “đội lốt” hàng Việt Nam)

Thái Bình

Email us

Zalo

84909006432