Đại biểu Quốc hội: Phải hạn chế thấp nhất thiệt hại của Covid-19, không để ảnh hưởng đến đời sống người dân

Hôm nay, tuần cuối cùng của kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV bắt đầu với phiên thảo luận thứ 2 về kinh tế – xã hội. Chia sẻ trước phiên họp, đại biểu Phạm Văn Hòa – Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho biết: Nắm bắt sau phiên thảo luận đầu tiên nhận thấy cử tri vui mừng Đảng, Nhà nước luôn đặt việc bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân lên hàng đầu, dù còn nhiều khó khăn, nhưng vẫn bảo đảm chăm lo an sinh xã hội song hành với phục hồi kinh tế.

dai bieu quoc hoi phai han che thap nhat thiet hai cua covid 19 khong de anh huong den doi song nguoi dan
Đại biểu Phạm Xuân Hòa.

Đại dịch Covid – 19 đã và đang gây ra những ảnh hưởng lớn đối với kinh tế – xã hội đất nước. Một trong những mối quan tâm hàng đầu của cử tri và nhân dân là giải pháp nào để tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, vừa chống dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế…

Đại biểu Hòa nhận định: Mỗi năm Quốc hội họp hai kỳ. Mỗi kỳ họp đều thu hút sự quan tâm, theo dõi rất lớn của cử tri và nhân dân. Không ngoại lệ, tại kỳ họp lần này, bám sát hơi thở thực tiễn cuộc sống, Quốc hội, các ĐBQH tiếp tục đặt ra, gợi mở nhiều vấn đề với Chính phủ như tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân dưới tác động của đại dịch như thế nào.

Ngay tại phiên thảo luận về kinh tế – xã hội, những vấn đề sát sườn đời thường nhất là làm thế nào để giảm giá thịt lợn, để người dân không phải ăn thịt lợn giá rẻ “trên ti vi” đã được nhiều đại biểu đặt ra.

Nhiều đại biểu phát biểu sâu sắc, có chất lượng, không chỉ nêu thực trạng, phản ánh tình hình, mà còn gợi mở, đề xuất với Chính phủ những giải pháp hữu hiệu để vừa phòng chống hiệu quả dịch Covid – 19, vừa phát triển kinh tế.

“Qua nắm bắt, tôi thấy cử tri vui mừng lắm. Đảng, Nhà nước luôn đặt việc bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân lên hàng đầu, dù còn nhiều khó khăn nhưng vẫn bảo đảm chăm lo an sinh xã hội song hành với phục hồi kinh tế. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và các tổ chức khác chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh cũng được Quốc hội xem xét miễn giảm 30% thuế thu nhập phải nộp năm 2020” – đại biểu tỉnh Đồng Tháp nói.

Các đại biểu cũng thảo luận, đưa ra những dự báo về hậu quả do đại dịch để lại. Trong khi nhiều nước trên thế giới vẫn đang phải phong tỏa, thì rõ ràng vấn đề giao thương, du lịch… của nước ta chắc chắn sẽ còn bị ảnh hưởng không nhỏ. Trong quý tới, khả năng thu ngân sách không đạt, tăng trưởng tín dụng chậm…

Tất cả khó khăn, thách thức này đòi hỏi Quốc hội, Chính phủ phải tìm cách hạn chế thấp nhất thiệt hại, không để ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.

Trong phiên thảo luận trực tiếp ngày 15/6, đại biểu Phạm Xuân Hòa kỳ vọng ở những giải trình rốt ráo hơn, mang tính cốt lõi, đi thẳng vào trọng tâm vấn đề.

“Đây là cơ hội để các thành viên Chính phủ trực tiếp công bố với cử tri và nhân dân cả nước để đại biểu Quốc hội chia sẻ, cảm thông với những khó khăn Chính phủ đang phải đối mặt, từ đó ủng hộ, đồng hành với các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến cơ sở, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao” – ông Hòa nói.

Hồng Vân

Email us

Zalo

84909006432