Đề xuất cấm mọi loại thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng

Ngày 1/7, Bộ Y tế, Vụ Pháp chế tổ chức Hội thảo tập huấn, trao đổi thông tin báo chí về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để cung cấp, trao đổi các thông tin liên quan đến thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong tình hình hiện nay với sự góp mặt của nhiều chuyên gia trong ngành.

de xuat cam moi loai thuoc la dien tu va thuoc la nung nong
ThS. Trần Thị Trang phát biểu tại Hội thảo.

Các sản phẩm thuốc lá mới được BS.ThS Nguyễn Tuấn Lâm, cán bộ Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam đưa ra định nghĩa bao gồm hai loại là thuốc lá điện tử (ENDS) và thuốc lá nung nóng (HTPs).

Thành phần của các loại thuốc lá mới này bao gồm nicotine, acrolein, phân tử ultrafine, formaldehyde, acetaldehyde,… với hơn 15.000 hương liệu khác nhau. Hầu hết các chất đều mang hàm lượng độc tính cao, một số chất được xếp và nhóm gây ung thư và nghiêm trọng hơn, nhiều hương liệu của thuốc lá mới chiết xuất từ cây cannabis và marijuana được phát hiện có trong ma túy.

Cũng theo bác sỹ, các thành phần có trong thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng không chỉ gây ra các tổn thương đến hệ thần kinh như gây nghiện, ảnh hưởng não, làm tăng nguy cơ sủ dụng thuốc lá thông thường mà còn gây ra tác hại đến sức khỏe. Nhiều đối tượng sử dụng bị phơi nhiễm các chất độc gây ung thư, tim mạch, hội chứng tổn thương hô hấp cấp dẫn đến tử vong (EVALI) và gây chấn thương do cháy nổ.

Thực tế bối cảnh trong nước và quốc tế cho thấy, ngành công nghiệp thuốc lá đang ngày càng đưa ra nhiều chiêu thức quảng cáo, tiếp cận giới trẻ nhằm mở rộng thị trường thuốc lá thế hệ mới.

Nguyên nhân được ThS Lê Thị Thu, đại diện Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam lý giải là nhằm duy trì sản lượng thuốc lá và tăng trưởng lợi nhuận, khi chính phủ các nước thực hiện các giải pháp phòng chống tác hại thuốc lá.

“Gần 70% số người thử một điếu thuốc trở thành người hút thuốc do nicotine – chất gây nghiện có trong thuốc lá, người từ 14-30 tuổi đã sử dụng thuốc lá điện tử sẽ có nguy cơ bắt đầu sử dụng thuốc lá thông thường cao hơn bốn lần so với nhóm không dùng thuốc lá điện tử, 58% người sử dụng thuốc lá điện tử là người hút mới”, ThS. Lê Thị Thu chỉ rõ.

Với sự phát triển rầm rộ của các mạng xã hội toàn cầu như Facebook, Instagram, TikTok,… các đối tượng sản xuất và mua bán thuốc lá mới đang tận dụng triệt để các nền tảng này để đưa ra nhiều chiến dịch thu hút giới trẻ.

Trước tình hình phức tạp, tại Hội thảo, cơ quan quản lý nhà nước phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí đã cùng khuyến nghị nhiều giải pháp trên cơ sở pháp lý chặt chẽ. Nhiều kinh nghiệm quản lý thuốc lá thế hệ mới của một số nước ASEAN như Thái Lan, Campuchia, Singapore, Brunei,… được trình bày.

Nghị quyết của Hội đồng các Bộ trưởng Y tế khu vực Tây Thái Bình Dương đồng thời được nhấn mạnh: “Tiếp tục tăng cường các biện pháp pháp lý và quy định khác để thực hiện Công ước Khung về Kiểm soát Thuốc lá của WHO cũng như các biện pháp cấm và/hoặc quản lý ENDS/HTPs phù hợp với bối cảnh quốc gia”.

Xét bối cảnh của Việt Nam, khuyến nghị ban hành các văn bản, quy định cấm mọi loại thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng trước khi các sản phẩm này lưu hành rộng rãi trên thị trường. Theo đó, đề xuất tăng thuế các sản phẩm thuốc lá nhằm đạt được cả hai mục tiêu là giảm tỷ lệ hút thuốc và tăng thuế tiêu thụ đặc biệt.

Diệu Hương

Email us

Zalo

84909006432