Hải quan Hòn Gai: Nơi “ra lò” nhiều sản phẩm tiện ích

Thông qua Bộ tài liệu chú giải HS 2017, Chú giải bổ sung SEN, Tuyển tập ý kiến phân loại… đã được “số hóa”, cán bộ, công chức (CBCC) Hải quan Hòn Gai muốn truyền tải đến cộng đồng DN thông điệp, phương châm hành động của Hải quan Quảng Ninh: “Tận tụy nhất – Nhanh chóng nhất – Hài lòng nhất, cam kết hỗ trợ DN 24/7”.

hai quan hon gai noi ra lo nhieu san pham tien ich 127732
Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hòn Gai (Cục Hải quan Quảng Ninh). Ảnh: Quang Hùng

Tra cứu mọi lúc, mọi nơi

Trong những năm qua, sản phẩm Biểu thuế XNK song ngữ, tích hợp các biểu thuế và chính sách mặt hàng tham chiếu theo mã HS do CBCC Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hòn Gai (Cục Hải quan Quảng Ninh) thực hiện đã được đón nhận, chia sẻ rộng rãi trong và ngoài Ngành. Đối tượng sử dụng không chỉ CBCC Hải quan, cộng đồng DN mà còn có cả các học viên, sinh viên, giảng viên và các nhà nghiên cứu, chuyên gia kinh tế… Riêng với file Biểu thuế XNK năm 2020, tích hợp đồng thời 19 biểu thuế và trên 50 chính sách thuế của Chính phủ và các bộ, ngành tham chiếu đến các mã hàng, đã tiếp cận được gần 200.000 lượt người và hàng nghìn lượt like và chia sẻ, tương tác tích cực.

Lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hòn Gai cho biết, người sử dụng có thể dễ dàng tra cứu mọi lúc, mọi nơi, trên mọi phương tiện hỗ trợ, đảm bảo nhanh chóng, chính xác. Người sử dụng chỉ cần gõ từ khóa Biểu thuế XNK 2020 trong Google hoặc trong Facebook sẽ ra hàng triệu kết quả, trong đó những kết quả đầu tiên dẫn chiếu đến “file biểu thuế” do Hải quan Hòn Gai tổng hợp. Trung tâm WTO của VCCI đã xin được đăng tải để chia sẻ rộng rãi cho các DN.

Cùng với sản phẩm Biểu thuế XNK song ngữ, CBCC Hải quan Hòn Gai tiếp tục xây dựng, đưa vào sử dụng Bộ tài liệu chú giải HS 2017, Chú giải bổ sung SEN, Tuyển tập ý kiến phân loại.

Danh mục hàng hóa XNK Việt Nam, các Quy tắc tổng quát và các Biểu thuế XNK, Chú giải chi tiết HS, Chú giải bổ sung (SEN) và Tuyển tập các ý kiến phân loại của WCO là các tài liệu hết sức quan trọng trong công tác phân loại hàng hóa XNK và rất cần thiết không chỉ đối với CBCC Hải quan mà còn đối với các DN.

Tuy nhiên, tài liệu này được phát hành với số lượng rất hạn chế, nên CBCC Hải quan Hòn Gai đã lên ý tưởng triển khai thực hiện Dự án số hóa bộ tài liệu chú giải HS, Chú giải bổ sung (SEN), Tuyển tập ý kiến phân loại của của WCO để chia sẻ cho CBCC Hải quan và cộng đồng DN.

Bộ tài liệu số hóa đã giải quyết được vấn đề thiếu hụt về nguồn cung, đáp ứng được nhu cầu của đông đảo người sử dụng.

Riêng trên trang Fanpage của Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hòn Gai đã thu hút hàng nghìn lượt like, tiếp cận, trên 50.000 người quan tâm. Việc tra cứu trên bộ tài liệu số hóa có nhận dạng ký tự, đánh chỉ mục nhanh hơn nhiều so với tra cứu trên bản in, tiết kiệm không gian làm việc. Đặc biệt, mỗi bộ tài liệu in có giá vài triệu đồng, trong khi bộ tài liệu số hóa được chia sẻ hoàn toàn miễn phí nên với hàng nghìn người sử dụng sẽ tiết kiệm được rất nhiều chí phí cho xã hội.

Hợp nhất nội dung văn bản mới

Không dừng lại ở đó, ngày 20/4/2018, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 39/2018/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2015/TT-BTC quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan, thuế và quản lý thuế với hàng hóa xuất, nhập khẩu. Thông tư này đặc biệt quan trọng, bao quát toàn bộ các hoạt động nghiệp vụ hải quan, liên quan mật thiết đến cơ quan Hải quan cũng như các DN có hoạt động xuất nhập khẩu. Do Thông tư 39 có rất nhiều điểm sửa đổi, bổ sung so với Thông tư 38 (50 điều sửa toàn bộ, 15 điều sửa khoản, 1 điều sửa điểm, 2 điều bổ sung điểm, 35 điều bãi bỏ, 4 điều bãi bỏ khoản, 2 điều bãi bỏ điểm) nên việc theo dõi, tra cứu đan xen giữa 2 văn bản gặp rất nhiều khó khăn.

Xuất phát từ thực tiễn nhu cầu trên, CBCC Hải quan Hòn Gai đã tổng hợp nội dung hợp nhất nội dung 2 Thông tư nêu trên và tạo chỉ mục các chương, mục, điều khoản để các DN & CBCC Hải quan thuận tiện trong tra cứu, áp dụng thực hiện.

Bên cạnh đó, việc thực thi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) hiện đang là một nội dung mà ngành Hải quan đang tập trung triển khai thực hiện. Theo thống kê, hiện nay có khoảng gần 500 nhãn hiệu hàng hóa đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được gửi đến Tổng cục Hải quan. Việc kiểm tra, xác định được nhãn hiệu hàng hóa nào có đăng ký bảo hộ là một vấn đề khó khăn đối với cả công chức kiểm tra hồ sơ và kiểm tra thực tế hàng hóa, nhất là trong điều kiện chịu áp lực lớn về thời gian làm thủ tục.

Để hỗ trợ cho CBCC trong thực hiện nhiệm vụ, Chi cục đã xây dựng tiện ích hỗ trợ kiểm tra tên hàng có chứa nhãn hiệu có đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, qua đó hỗ trợ rất tốt cho CBCC trong quá trình tác nghiệp.

Quang Hùng

Email us

Zalo

84909006432