Hoa mắt với thị trường phụ gia thực phẩm

Xu hướng tiêu dùng nhanh khiến cho nhu cầu đối với các loại thực phẩm chế biến sẵn tăng nhanh trong thời gian gần đây. Điều này đã tạo cơ hội cho những loại thức uống, đồ ăn không đảm bảo chất lượng len lỏi vào thị trường, đặc biệt ở những phân khúc giá rẻ.

hoa mat voi thi truong phu gia thuc pham 127603
Đủ loại phụ gia thực phẩm được bán tại chợ hóa chất Kim Biên. Ảnh: N.Hiền

Giật mình với trà sữa, sinh tố giá rẻ

Dạo một vòng quanh các tuyến đường của TPHCM, đặc biệt là khu vực gần các khu công nghiệp, khá nhiều xe đẩy bán trà sữa, nước giải khát tự xưng là “nhà làm” với mức giá chỉ từ 10.000 – 20.000 đồng/ly. Và còn “giật mình” hơn nữa khi tìm hiểu về cách làm ra những ly trà sữa, sinh tố… của những xe đẩy này.

Là người “trong nghề” trà sữa, chị Hoàng Thị Phương (quận 9) cho biết, các quán trà sữa giá rẻ đều mua nguyên liệu bột kem để làm trà sữa với giá chỉ 75.000 đồng/kg. Mỗi kg bột này có thể pha tới 100 ly trà sữa. Còn hạt trân châu cũng được mua sẵn với giá chỉ tử 20.000 – 30.000 đồng/kg. Thậm chí, nhiều nơi còn mua loại bột giá rẻ chỉ 35.000 – 40.000 đồng/kg về pha. Như vậy, với mức giá “siêu rẻ” chỉ trên dưới 10.000 đồng/ly, các quán trà sữa cũng đã kiếm được khoản lời không nhỏ. Cùng với đó, nhiều loại nước giải khát khác cũng có thể dễ dàng được “phù phép” từ hàng trăm loại bột trái cây, rau củ, siro, hương liệu, phẩm màu khác nhau.

Tại TPHCM, muốn mua các loại hương liệu, phẩm màu như trên là việc không hề khó. Khi phóng viên tìm đến chợ Kim Biên – nơi được biết đến như là “vựa hóa chất” của TPHCM trong vai một người cần mua các loại hương liệu để pha chế nước giải khát.

Tại một gian hàng kinh doanh các loại phụ gia thực phẩm, các mặt hàng được bày bán rất đa dạng từ hương liệu, bột kem, phẩm màu… với nhiều thương hiệu khác nhau, có xuất xứ từ Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc… chúng tôi ngỏ ý muốn mua các loại hương liệu trái cây giá rẻ, người bán liền lấy từ phía trong ra nhiều chai nhựa khác nhau, phía trên có ghi chữ bằng bút lông thể hiện tên hương liệu như “cam”, “chanh”, “dâu”… “Hương gì cũng có, mua bao nhiêu cũng được” – người bán nói với chúng tôi. Theo đó, mỗi chai hương liệu này có giá chỉ khoảng trên 100.000 đồng tùy loại. Người bán cũng giới thiệu thêm rằng, dù giá rẻ, nhưng những hương liệu này có chất lượng không thua kém gì các loại có thương hiệu khác. Theo đó, các loại hương liệu này sẽ giúp gia tăng hương vị cho các loại nước giải khát, hoặc bánh, kẹo, rau câu, kem…

Hoa mắt với phụ gia

Theo danh mục phụ gia thực phẩm được ban hành kèm theo Thông tư 24/2019/TT-BYT của Bộ Y tế, có 400 loại phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm. Đi sâu vào tìm hiểu thị trường này, chúng tôi không khỏi “chóng mặt” trước đủ các mức giá “thượng vàng hạ cám” được mua bán nhộn nhịp từ các chợ truyền thống cho đến “chợ mạng”. Theo đó, chỉ riêng mặt hàng hương liệu đã có vài chục loại khác nhau từ hương trái cây như cam, chuối, sầu riêng cho tới các loại thịt, cá, cua khác nhau. Các loại phụ gia tạo màu cũng rất đa dạng, từ tạo màu hồng đỏ cho thịt, xúc xích, nem chua cho tới màu của các loại rau củ, trái cây. Ngoài ra còn có các loại chất bảo quản, chất tạo ngọt, chất kết dính, tạo độ dai, giòn… Nguồn gốc của các sản phẩm này cũng rất đa dạng, được giới thiệu nhập từ Mỹ, Ấn Độ, Malaysia, Trung Quốc, Thái Lan… Với mỗi nhà sản xuất khác nhau, mức giá đưa ra cũng có sự chênh lệch nhất định. Cụ thể, chất bảo quản potassium sorbate có giá từ 115.000 – 190.000 đồng/kg, đường bắp giá từ 10.000 – 25.000 đồng/kg, chất chống mốc từ 80.000 – 150.000 đồng/kg, chất điều vị cũng có giá dao động khá cao, từ hơn 100.000 đến vài trăm nghìn tùy theo thương hiệu và nhà cung cấp.

Chưa tính tới các sản phẩm kém chất lượng, không có nguồn gốc xuất xứ, các sản phẩm có thương hiệu cũng đều có hướng dẫn sử dụng với mức định lượng sử dụng rất nhỏ, chỉ từ 1-3g cho mỗi kg sản phẩm, thậm chí ít hơn. Tuy nhiên, thật khó để có thể đảm bảo rằng khi sử dụng các hương liệu này để pha chế, tẩm ướp thực phẩm sẽ sử dụng theo đúng liều lượng khuyến cáo của nhà sản xuất, đặc biệt là tại các cơ sở chế biến thực phẩm nhỏ lẻ. Trên thực tế, cơ quan chức năng đã không ít lần phát hiện và xử phạt những trường hợp sử dụng các loại thực phẩm như thịt, hải sản đã ôi thiu mốc hỏng để chế biến món ăn bán ra thị trường. Để “phù phép” cho những loại thịt cá đã bị ôi, hỏng này thành món ăn thơm ngon, chắc chắn sẽ có sự góp sức của các loại phụ gia, hương liệu với liều lượng tẩm ướp không hề nhỏ.

Theo các chuyên gia y tế, các phụ gia thực phẩm nếu được sử dụng đúng loại, đúng liều lượng sẽ mang lại tác dụng tích cực, tạo được nhiều sản phẩm phù hợp với sở thích và khẩu vị của người tiêu dùng, đồng thời giữ được chất lượng của thực phẩm trong thời gian dài, làm tăng giá trị sản phẩm. Tuy nhiên, nếu sử dụng không đúng liều lượng, không đúng chủng loại, nhất là những phụ gia không cho phép dùng trong thực phẩm sẽ gây những tác hại cho sức khỏe như ngộ độc thực phẩm, thậm chí có nguy cơ hình thành khối u, ung thư, đột biến gien ở phụ nữ mang thai…

Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo khi sử dụng phụ gia thực phẩm trong sản xuất chế biến thực phẩm phải tuân thủ các nguyên tắc sau: Sử dụng đúng loại phụ gia thực phẩm trong danh mục, đúng đối tượng, đúng hàm lượng theo quy định của Bộ Y tế. Các phụ gia thực phẩm phải đảm bảo có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, còn thời hạn sử dụng và phải đáp ứng yêu cầu về an toàn theo quy định tại các Quy chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn Việt Nam tương ứng. Những hành vi vi phạm quy định về sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm trong sản xuất, chế biến thực phẩm sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 115/2018/NĐ-CP của Chính phủ với mức phạt lên tới 100 triệu đồng thậm chí đình chỉ hoạt động lên tới 12 tháng.

Nguyễn Hiền

Email us

Zalo

84909006432