Trung Quốc đẩy mạnh bán ra, hạt tiêu Việt rớt giá

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), nửa đầu năm nay, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam đạt 172 nghìn tấn, trị giá 365 triệu USD, giảm 2,9% về lượng và giảm 19% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu chỉ đạt mức 2.127 USD/tấn, giảm tới 16,6% so với cùng kỳ năm 2019.

trung quoc day manh ban ra hat tieu viet rot gia
Dự báo thời gian tới, giá hạt tiêu sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu tích trữ lúc giá ở mức thấp. Ảnh: Internet

Trong tháng 6, tại cảng khu vực TP HCM, giá hạt tiêu đen xuất khẩu giảm do nhu cầu của các nhà nhập khẩu nước ngoài giảm sau khi đã nhập một số lượng lớn 150.000 tấn.

Bên cạnh đó, dịch Covid-19 lần 2 ảnh hưởng đến nhu cầu nhập khẩu của một số thị trường xuất khẩu chính. Ngoài ra, việc Trung Quốc đẩy mạnh lượng hạt tiêu bán ra cũng tác động đến giá hạt tiêu của Việt Nam giảm.

Tuy nhiên, Cục Xuất nhập khẩu nhận định, xu hướng giảm chỉ là tạm thời do lượng hạt tiêu của Trung Quốc bán ra không đáng kể.

Về mặt giá cả cụ thể, ngày 30/6, giá hạt tiêu đen loại 500g/l và 550g/l xuất khẩu giảm lần lượt 4,4% và 3,1% so với ngày 30/5, xuống mức 2.380 USD/tấn và 2.461 USD/tấn. Ngược lại, giá hạt tiêu trắng xuất khẩu tăng 7,1% so với ngày 30/5, lên mức 3.900 USD/tấn.

Tại thị trường nội địa, giá hạt tiêu tháng 6 giảm trở lại sau khi chạm mức đỉnh 60.000 đồng/kg vào ngày 29/5. Người dân hạn chế bán ra để chờ giá tăng lên, do đó các nhà nhập khẩu đã chuyển hướng sang thị trường Brazil với mức giá chào thấp hơn.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, sản lượng hạt tiêu của Việt Nam vụ mùa năm 2020 giảm khoảng 15% so với năm 2019, xuống còn 240.000 tấn. Dự báo vụ mùa năm 2021 sản lượng hạt tiêu sẽ tiếp tục giảm do người dân không đầu tư chăm sóc, ảnh hưởng đến năng suất.

Dự báo thời gian tới, giá hạt tiêu sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu tích trữ lúc giá ở mức thấp. Về dài hạn, giá hạt tiêu toàn cầu sẽ được hỗ trợ khi sản lượng ở hầu hết các nước sản xuất lớn đều giảm mạnh, trong đó có Việt Nam.

Thanh Nguyễn

Email us

Zalo

84909006432